Tác giả





Nguyễn Bá Cẩn

Cựu Chủ Tịch Hạ Nghị Viện

Thủ Tướng Chính Phủ VNCH










TOÀN VẸN LÃNH THỔ
&
HOÀNG SA / TRƯỜNG SA



Nguyễn Bá Cẩn



Suốt ba mươi ba năm từ ngày Cộng sản áp đặt độc tài đảng trị trên toàn cõi Việt Nam, người dân trong nước cũng như ngoài nước không ngừng tranh đấu cho tự do và dân chủ. Tuy nhiên, có một phần nào khác biệt giữa nội địa và hải ngoại về cảm nhận cũng như về phương thức đấu tranh. Đối với đồng bào trong nước, thật là muôn vàn khó khăn và nguy hiểm cho họ vì luôn phải đối phó với một chế độ kiểm soát và khủng bố. Nên một măt, họ miễn cưỡng chấp nhận mọi thống khổ và đàn áp như cái giá phải trả trong đời sống. Mặt khác vì chế độ kiểm duyệt bưng bít hà khắc của chế độ, họ cũng không hay biết việc nhà cầm quyền cộng sản đã nhượng cho Trung Cộng hàng ngàn cây số vuông lãnh thổ dọc theo biên giới Hoa Việt và độ 10 ngàn cây số vuông lãnh hải trong Vịnh Bắc Việt, qua các hiệp định bất công về biên giới lãnh thổ ký ngày 12/30/1999 và biên giới lãnh hải ký ngày 12/25/2000. Ngoài ra, họ cũng không hay biết sau khi tấn chiếm Hoàng Sa hồi năm 1974, Trung Cộng đã tấn chiếm một số hải đảo tại Trường Sa, trong lúc cả hai quần đảo này liên tục thuộc lãnh thổ của Việt Nam từ thế kỷ 15.

Trái lại, cộng đồng hải ngoại Việt Nam, với con số 3 triệu người, nhờ sinh sống tại các nước tự do trên thế giới, nên am hiểu tình hình nội địa hơn cả đồng bào trong nước và rất lo ngại ưu tư về chính sách bá quyền của Trung Cộng đã lợi dụng tình hình suy sụp kinh tế tài chính và bất ổn chính trị của Việt Nam để chọn nước này làm mục tiêu xâm lăng kế tiếp Tây Tạng, trong mưu đồ xích hóa Tây và Nam Á. Tình hình Việt Nam ngày càng suy thoái về mọi mặt rất bất lợi cho người dân, chưa kể sự tranh giành quần đảo Trường Sa của các cường quốc có thể phá vỡ ổn định và hoà bình toàn vùng Đông Nam Á.

Tình hình Việt Nam đã suy sụp trầm trọng như thế nào?

Bên cạnh nạn quản trị tồi tệ, còn có quốc nạn tham nhũng và lạm quyền trầm trọng tới mức độ vô phương cứu chữa, làm cho kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam tựa như con chó 3 chân, què quặt thiểu não. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã và đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính vô cùng trầm trọng. Chỉ số thị trường chứng khoán tuột mất trên 50%. Trị giá nhà đất thất thoát từ 40 đến 50% tùy vùng, lạm phát phi mã 27% có khả năng tăng lên 30% vào cuối năm nay, làm cho vật giá gia tăng, nhu yếu phẩm ngoài tầm tay của dân nghèo và ngay cả công tư chức với số lương tháng 50 mỹ kim cho giáo chức và nhân viên văn phòng, và 100 mỹ kim cho chuyên viên cao cấp như bác sĩ, kỹ sư.

Tính đến nay, cộng chung tiền viện trợ, đầu tư trực tiếp của ngoại quốc và vay mượn, CSVN đã nhận được hàng trăm tỷ mỹ kim, chưa kể đồng bào tỵ nạn tại hải ngoại hàng năm gởi về trung bình 7 tỷ mỹ kim để giúp đỡ gia đình. Với phương tiện tài chính dồi dào như vậy, và mặc dù được tự do toàn trị suốt 33 năm trong hòa bình tuyệt đối, nhưng CSVN đã biến đất nước thành một trong những nước nghèo nhất thế giới. Thật vậy, đừng đánh giá Việt Nam qua hình ảnh các cao ốc đồ sộ, các biệt thự nguy nga, các khách sạn tráng lệ, tài sản của lãnh tụ đảng và “mafia đỏ” thường vung hàng ngàn mỹ kim cho một chai rượu nhập cảng đắt tiền trong lúc 90% dân chúng ăn không đủ no, đau ốm không có nơi điều trị. Bằng cớ là lợi tức bình quân hàng năm của Việt Nam chỉ có 2587 mỹ kim, so với 33577 mỹ kim của Nhật Bản, 24782 của Nam Hàn, 49714 của Singapore, 41994 của HongKong, 20126 của Đài Loan, 13315 của Mã Lai, 7900 của Thái Lan và 5292 của Trung Cộng, v.v… (tài liệu thống kê 2007 của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế).

Tội nghiệp cho người dân Việt Nam sống dưới chế độ cộng sản. Việt Nam nghèo không phải vì thiếu tiền. Việt Nam cũng không thể giàu được mặc dù đã có trong tay tiền rừng bạc biển từ mấy chục năm nay. Việt Nam nghèo là vì bị cộng sản toàn trị. Nghèo vì kinh tế thị trường chỉ có thể tồn tại và song hành cùng với một chế độ tự do dân chủ. Nghèo vì CSVN giao phần vụ phát triển kinh tế cho đội ngũ cán bộ “hồng hơn chuyên”, dốt nát nhưng trung thành với quốc sách và hệ thống tham nhũng của đảng. Cũng cần nói thêm cho trọn vẹn Việt Nam nghèo là vì từ căn bản, độc tài đã giết chết mọi sáng kiến, mọi cạnh tranh và chôn vùi mọi sáng tạo. Trên đây là căn nguyên đã làm cho đất nước nghèo, làm cho người dân bần cùng, chế độ nát bét và đất nước sôi sục vì bất ổn. Rất tiếc những tai họa trên đây đã có thể tránh được nếu Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) không xâm lăng và áp đặt người dân miền Nam dưới chế độ độc tài hà khắc, nếu CSBV không xé bỏ các Hiệp định Geneve 1954, Hiệp định Ba Lê và Định ước quốc tế 1973, vì các văn kiện này đã tiên liệu toàn bộ điều khoản và khung cảnh pháp lý thích nghi giúp cho kế hoạch phát triển đất nước có đủ điều kiện thành công viên mãn.

Thật vậy, Điều 1 Hiệp định Ba Lê (HĐBL) ấn định “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơ-ne-vơ năm một nghìn chín trăm năm mươi tư về Việt Nam đã quy định”. Tức là phài tôn trọng sự thể hai miền Nam Bắc, tôn trọng vùng phi quân sự tại vỹ tuyến 17, trong khi chờ đợi thương thảo giữa hai miền Nam Bắc về việc thống nhất đất nước.

Về quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, Điều 9 HĐBL nói rõ thêm “Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cam kết tôn trọng những nguyên tắc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam sau đây :

a) Quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm và phải được tất cả các nước tôn trọng;

b) Nhân dân miền Nam tự quyết định tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ, có giám sát quốc tế”.

Cũng về quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, Điều 4 của Định ước Quốc tế cũng minh thị xác nhận “Các bên ký kết Định Ước này trịnh trọng công nhận và triệt để tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam cũng như quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Các bên ký kết Định Ước này triệt để tôn trọng Hiệp định và các Nghị định thư bằng cách không có bất cứ hành động nào trái với các điều khoản của Hiệp định và các Nghị định thư”.

Về nhân quyền và các quyền tự do dân chủ, Điều 11 HĐBL quy định như sau: “Ngay sau khi ngừng bắn, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ :

- ……….

- Bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân : tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh”.

Về việc thống nhất đất nước, Điều 15 HĐBL quy định “Việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở bàn bạc và thỏa thuận giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam, không bên nào được cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào và không có sự can thiệp của nước ngoài. Thời gian thống nhất sẽ do miền Bắc và miền Nam Việt Nam thỏa thuận”.

Chính vì CSBV đã xé bỏ các Hiệp định Geneve, Hiệp định Ba Lê và Định ước quốc tế để duy trì độc tài đảng trị một cách ngoan cố nên chuỗi dài hậu quả gây cho đất nước là nghèo khó, thống khổ, bất công và bất ổn triền miên. Giải pháp duy nhất để chấn chỉnh tận gốc rễ chỉ có thể là buộc Cộng sản Việt Nam phải triệt để thi hành các điều 9 và 11 của HĐBL, tức là phải ban bố và thực thi nghiêm chỉnh nhân quyền cùng các quyền tự do dân chủ và thực hiện quyền tự quyết của toàn dân bằng cách tổ chức những cuộc bầu cử thật sự dân chủ, tự do, dưới sự kiểm soát của quốc tế.

Hòa bình và ổn định toàn vùng Đông Nam Á có thể bị các vụ tranh chấp về Trường Sa phá vỡ như thế nào?

Thế giới đã nhìn nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam liên tục từ nhiều thế kỷ trước khi nước Pháp xâm chiếm Việt Nam. Thật vậy, hai quần đảo này vốn dĩ là lãnh thổ của “Vương Quốc An Nam” từ thế kỷ 15, cũng như đã được chứng minh trong Bản đồ Hồng Đức dưới đời vua Lê Thánh Tông (niên hiệu Hồng Đức 1460-1497), được công nhận trong Nhật báo Batavia của Công Ty Đông Ấn của Hòa Lan xuất bản năm 1637, và ghi chép trong nhật ký hàng hải của thương thuyền Amphitrite của Pháp năm 1701, v.v… Tuy nhiên phải nói là trong quá khứ, văn kiện quan trọng nhất là Hòa Ước Thiên Tân ký năm 1885 giữa chính quyền Bảo Hộ của Pháp và Triều Thanh của Trung Hoa nhìn nhận quyền bảo hộ của Pháp quốc đối với Việt Nam mà lãnh thổ thời đó đã bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa. Sau đệ nhị thế chiến, khi Việt Nam thu hồi độc lập năm 1948, quần đảo Hoàng Sa thuộc xã Hòa Long, Quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, còn Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy. Trong thời gian người viết bài này đảm nhận chức vụ Phó Tỉnh Trưởng Phước Tuy (1962-64), Trường Sa thuộc xã Phước Hải, quận Đất Đỏ của tỉnh này.

Trong lúc Pháp bàn giao quyền hành cho Quốc Gia Việt Nam thì Cộng Sản rút vào mật khu tổ chức kháng chiến để cướp chính quyền theo chỉ thị bành trướng đệ tam quốc tế của Nga Xô. Khi Hiệp định Geneve được ký kết năm 1954 chia đôi đất nước, Hoàng Sa và Trường Sa ở phía Nam của vỹ tuyến 17, vẩn trực thuộc hai tỉnh Quảng Nam và Phước Tuy của Việt Nam Cộng Hòa. Cộng sản Bắc Việt vẫn ngoan cố trong ý đồ xâm lăng miền Nam nên đã ngang nhiên xâm nhập người và vũ khí để gây chiến đánh phá cho đến khi Hiệp định chấm dứt chiến tranh được ký kết tại Ba Lê năm 1973. Thêm một lần nữa, Cộng Sản Bắc Việt xé bỏ hiệp định để công khai xâm lăng miền Nam một cách trắng trợn.

Cần nhấn mạnh rằng, cũng như Cộng sản Bắc Việt, Trung Cộng đã ký cả ba văn kiện Hiệp định Geneve 1954 (chia đôi Việt Nam và giao Hoàng Sa và Trường Sa cho VNCH), Hiệp định Ba Lê và Định ước quốc tế năm 1973 với tư cách là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và với tư cách này có trách nhiệm bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh hai hiệp định Geneve và Ba Lê. Thế mà trong lúc Việt Nam Cộng Hòa dồn mọi nỗ lực chống trả xâm lăng của miền Bắc thì ngày 19/1/1974, Trung Cộng điều động lực lượng hải quân tấn chiếm Hoàng Sa. Hải đội đặc biệt dưới quyền chỉ huy của Vùng 1 Duyên Hải/VNCH đã chống trả một cách anh dũng, đánh chìm 1 chiến hạm cùng gây nhiều thiệt hại về nhân mạng và vật chất cho hải quân Trung Cộng, nhưng sau cùng phải rút lui vì bị áp đảo bởi lực lượng quá đông của đối phương.

Điều cần nhấn mạnh thêm nữa là trước khi xua quân tấn chiến Hoàng Sa, chưa bao giờ Trung Cộng phản đối chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo này, kể cả trong kỳ Hội nghị Hòa Bình ở San Francisco năm 1951, khi Thủ Tướng Trần Văn Hữu của Quốc Gia Việt Nam chính thức xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị Nhật Bản chiếm đóng trong đệ nhị thế chiến, nhờ đó mà đã được Hội nghị quốc tế nhìn nhận chủ quyền của Việt Nam cho đến khi Hoàng Sa bị Trung Cộng tấn chiếm năm 1974 và VNCH bị Bắc Việt xâm lăng năm 1975 (Xem “Định ước quốc tế” (Final Act) về Việt Nam 2/3/1973 và “Paracel and Spratly Islands Forum:White Paper on the Hoang Sa (Paracel) And Truong Sa (Spratly) Islands”

Website: (Xin bấm vào đây).

Sau khi Bắc Việt xâm lăng VNCH, Trung Cộng tiếp tục theo đuổi chính sách bá quyền hướng về phía Nam của Biển Đông, xua quân xâm chiếm một số hải đảo của Trường Sa. Đặc biệt trong các năm 2005 và 2007, Trung Cộng đã cho tàu chiến khêu khích, hăm dọa ngay trong lãnh hải của Việt Nam như bắn phá ngư thuyền Việt Nam, cùng lúc với việc phổ biến bản đồ Biển Đông được vẽ lại để bao gồm trọn biển này vào lãnh thổ Trung Cộng, cũng như ban hành đạo luật buộc các tàu chiến cùng tàu thăm dò và nghiên cứu khoa học trên phần biển này phải xin phép Trung Cộng, nếu không muốn bị Trung Cộng trừng trị bằng biện pháp quân sự. Trung Cộng cũng ngang nhiên đánh đuổi hăm dọa các tàu thăm dò tìm dầu của Anh quốc (British Petroleum) và Hoa Kỳ (Exxon) công tác tại Biển Đông theo khế ước ký kết với nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam.

Trong số các nước tranh chấp về Trường Sa, hai nước Việt Nam và Trung Cộng đã dùng quân sự để chiếm hải đảo, để bảo vệ và hộ tống các tàu tìm dầu. Đã có những trận hải chiến xảy ra giữa Trung Cộng và VNCH (1974) cũng như giữa Trung Cộng và Chính phủ Việt Nam Cộng Sản (1988). Có thể Anh quốc và Hoa Kỳ cũng sẽ ở trong thế bắt buộc phải dùng tàu chiến để hộ tống tàu tìm dầu của họ trong tương lai thì khả năng va chạm quân sự giữa các nước trên Biển Đông có thể gia tăng hơn nữa. Chưa kể với chính sách bá quyền Trung Cộng được phản ảnh qua hành động hiếu chiến xấc xược đối với các láng giềng, cụ thể là Tây Tạng và Việt Nam, một tính toán sai lầm của Trung Cộng _ như Georgia đã có quyết định liều lĩnh trong năm nay khi đối phó với các vùng ly khai trong nước _ đều có thể khơi mào cho một trận chiến bùng nổ và lan rộng. Mặt khác, song hành với các hành động ngang ngược có dự tính trên đây về phương diện kinh tế, Trung Cộng còn thiết lập và tăng cường căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam và các đảo trên Hoàng sa và Trường sa, để lộ diện tham vọng bá quyền kiểm soát Biển Đông, dùng làm bàn đạp tiến tới bành trướng để tranh giành thế lực trên Thái Bình Dương với Hoa Kỳ, tạo hậu quả đe dọa trầm trọng nền an ninh của Đông Nam Á cũng như của thế giới.

Câu hỏi được đăt ra là tại sao Anh quốc và Hoa Kỳ chọn lựa hợp tác với VNCS tìm dầu trong những hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn dắt đến xung đột võ trang với Trung Cộng, trong lúc có những giải pháp bằng pháp lý nếu được đem ra thi hành thì phía bên VNCS và tư bản thế giới tự do trong đó có Anh và Hoa Kỳ nắm phần thắng chắc trong tay. Câu trả lời là sở dĩ những tai họa đã và có thể xảy ra trong tương lai được trình bày trên đây đều do hai nước Việt Nam Cộng Sản và Trung Hoa Cộng Sản chủ trương chà đạp luật lệ quốc tế, nhất là những văn kiện mà họ đã ký và cam kết với quốc tế, chẳng hạn các Hiệp định Geneve 1954, HĐBL và Định ước quốc tế 1973. Thật vậy, Định Ước Quốc Tế do 12 quốc gia trong đó có ngũ cường, thành viên của Hội Đồng Bảo An LHQ, ký ngày 02/03/1973, tại Phần Mở đầu, đã long trọng tuyên bố:

Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa,
Chính Phủ Liên Bang Cộng Hòa XHCN Xô Viết,
Chính Phủ Ca-na-đa,
Chính Phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa,
Chính Phủ Hoa Kỳ,
Chính Phủ Cộng Hòa Pháp,
Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam VN,
Chính Phủ Cộng Hòa Nhân Dân Hung-ga-ri,
Chính Phủ Cộng Hòa In-đô-nê-xi-a,
Chính Phủ Cộng Hòa Nhân Dân Ba Lan,
Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, và
Chính Phủ Vương Quốc Anh và Bắc Ái Nhĩ Lan,

Với sự có mặt của Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc;

Nhằm mục đích ghi nhận các hiệp định đã ký kết; bảo đảm chấm dứt chiến tranh, giữ vững hoà bình ở Việt Nam, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam; góp phần vào hòa bình và bảo đảm hòa bình ở Đông Dương;

Đã thỏa thuận, cam kết tôn trọng và thi hành những điều khoản sau đây:

Thưc tế cho thấy không có nước nào, kể cả Liên Hiệp Quốc đã bảo đảm chấm dứt chiến tranh và quyền dân tộc tự quyết cho nhân dân miền Nam Việt Nam.

Điều 3 ấn định “Hiệp định đáp ứng các nguyện vọng và các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam….

Thực tế cho thấy quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam đã bị CSBV tước đoạt.

Điều 4 nhắc lại một lần nữa “Các bên ký kết Định Ước này trịnh trọng công nhận và triệt để tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam cũng như quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam”.

Thực tế cho thấy Điều 4 do Kissinger và Lê Đức Thọ soạn thảo chỉ có giá trị của một bánh vẽ.

Điều 5 minh thị “Vì sự nghiệp hòa bình lâu dài ở Việt Nam, các bên ký kết Định ước này kêu gọi tất cả các nước triệt để tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam cũng như quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, triệt để tôn trọng Hiệp định và các Nghị định thư bằng cách không có bất cứ hành động nào trái với các điều khoản của Hiệp định và các Nghị định thư”. Thực tế cho thấy trong lúc nạn nhân là Việt Nam Cộng Hòa bị xâm lăng trắng trợn bởi Cộng sản Bắc Việt, tất cả các nước ký kết nhất là Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã ngoảnh mặt làm ngơ một cách nhục nhã.

Đặc biệt Điều 7/A của Định Ước quốc tế đã qui định trong trường hợp xảy ra bất cứ vi phạm nào của Hiệp định Ba Lê, các bên ký kết sẽ trao đổi ý kiến với các bên khác để xác định những biện pháp cần thiết. Điều 7/b còn tiên liệu rằng Hội nghị quốc tế về Việt Nam sẽ được triệu tập khi Chính phủ Hoa Kỳ và Chính Phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng yêu cầu hoặc do sáu hoặc hơn sáu nước ký kết có lời yêu cầu.

Thực tế cho thấy trong khoảng thời gian từ sau ngày ký kết HĐBL (27/01/1973) cho đến giữa năm 1974, lực lượng 200 ngàn quân Cộng sản Bắc Việt gài lại trong Nam không ngớt đánh phá miền Nam trong hàng chục ngàn lần tấn công, và mặc dù sau mỗi cuộc tấn công đều có sự khiếu nại của VNCH, nhưng tuyệt nhiên không có một phản ứng nào của bất cứ thành viên nào khác đã ký kết Định Ước với VNCH, cùng nhau góp ý giải quyết. Thái độ thụ động khó hiểu của các thành viên ký kết, nhất là của năm hội viên HĐBA/LHQ là một thái độ khuyến khích ý đồ xâm lăng của VNDCCH được thể hiện qua cao điểm tổng tấn công đầu năm 1975 bằng cách tung trọn quân lực của họ gồm 15 sư đoàn chính quy cùng với vô số đơn vị chiến xa, trọng pháo, phòng không và hỏa tiển, gây muôn vàn thiệt hại về nhân mạng và gẩy đổ xã hội cho nhân dân miền Nam.

Nếu xét từng điều khoản của Hiệp định Ba Lê và các nghị định thư về ngưng bắn, trao trả tù binh, kiểm soát và giám sát cũng như về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, chỉ có Việt Nam Cộng hòa thi hành nghiêm chỉnh những bổn phận và trách nhiệm của mình. Còn về phía cộng sản thì có thể nói họ đã đốt bỏ hiệp định. Ngay về phía Hoa Kỳ cũng không thi hành nghiêm chỉnh, ví dụ không thay thế vũ khí và đạn dược trên “căn bản một đổi một” cho VNCH, lại cắt đứt 100% quân viện trong lúc Nga Xô và Trung Cộng tăng viện giúp Bắc Việt gấp mấy lần hơn bình thường. Nhục nhã nhất là các cường quốc Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga Xô, Trung Cộng, và bốn thành viên của Ủy Ban Quốc tế Kiểm Soát và Giám sát là Ba Lan, Hung Gia Lợi, Gia Nã Đại và Nam Dương đã ký Định ước quốc tế bảo đảm thi hành Hiệp định Ba Lê trước sự chứng giám của Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, cũng điềm nhiên không phản ứng trước những khiếu tố của VNCH về mấy chục ngàn lần vi phạm của CSBV, về văn thư của Tổng Thống Thiệu và khiếu nại của Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc đích thân gặp và yêu cầu Tổng Thư Ký LHQ, chiếu Điều 7 của Định ước quốc tế, triệu tập Hội Nghị quốc tế để cứu xét hành động của Trung Cộng, một thành viên HĐBA/LHQ ký kết Hiệp Định Ba Lê lại ngang nhiên xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ bất khả phân của VNCH. Có thể nói đây là một sự “toa rập” của Liên Hiệp Quốc để cho Hoa Kỳ bán đứng và bàn giao VNCH cho CSBV qua cái hiệp định đầu hàng và hợp thức hóa những hành vi trao đổi bất chính của họ.

Nếu xét từng hiệp ước song phương, đa phương hay hiệp ước quốc tế ký kết với cộng sản, cũng không có hiệp ước nào không bị cộng sản vi phạm hoặc xé bỏ toàn bộ, ví dụ những hiệp ước về thương mại, đầu tư, trong đó Cộng sản Trung Hoa và Cộng Sản Việt Nam đều nhận viện trợ, đầu tư trực tiếp và vay tiền, nhưng CHƯA HỀ thi hành và chu toàn bổn phận “cải tiến nhân quyền” như đã trang trọng cam kết với quốc tế.

Đường lối và chủ trương trên đây lại được Cộng sản Việt Nam ăn cắp bắt chước giống hệt đàn anh Trung Cộng. Do đó mà buồn cười cho cặp bài trùng lưu manh này lại dùng những tiểu xảo và thủ đoạn bẩn thỉu y hệt nhau để đối xử hoặc đối phó với nhau. Bằng cớ là CSVN đã ký công hàm gián tiếp trao tặng Hoàng Sa và Trường Sa _ vốn dĩ thuộc phần đất của VNCH được Hiệp Định Geneve 1954 nhìn nhận khi chia đôi đầt nước Việt Nam _ cho Trung Cộng, chẳng khác nào “bán chú Cuội” trên cung trăng cho trẻ con. Đến khi Trung Cộng nại công hàm này để tranh giành lãnh hải thì CSVN lật đật tìm cách cãi lý về một văn kiện mà giá trị không bằng mãnh “giấy vệ sinh”. Đúng là cướp ngày Bắc Kinh gặp phải “bối ba cụm” Kiến Hòa.

Nhìn dưới một khía cạnh khác của vấn đề, người đọc hẳn nhận thấy năm 1975 CSVN đã xé Hiệp định Ba Lê để xâm lăng VNCH, thì liền theo đó, năm 1979, đã bị đàn anh Trung Cộng cho một bài học đau điếng và cướp mất luôn một số đất đai cùng vị trí chiến lược dọc theo biên giới Hoa Việt, cộng thêm một tát tay nảy lửa năm 1988 tại Trường Sa, mất luôn gần 10 hải đảo tại quần đảo này. Đúng là “đời nay quả báo nhãn tiền”. CSVN cũng dư biết rằng Trung Cộng đã từng ký Hiệp định Geneve 1954, Hiệp định Ba Lê 1973 và Định ước quốc tế 1973, cả ba văn kiện liên hệ và liên tục nhìn nhận 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam và được quốc tế và Liên Hiệp Quốc cam kết bảo đảm về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng bây giờ CSVN ở trong thế “mở miệng mắc quai”. Chẳng lẽ dựa vào Điều 7 của Định Ước quốc tế để triệu tập Hội nghị quốc tế về Việt Nam để giành phần thắng về cho mình? Chẳng lẽ lại dùng những lý lẽ của 3 văn kiện mà chính mình đã chà đạp và xé bỏ. Chính vì vậy mà thay vì dùng văn kiện pháp lý để đương nhiên nắm giử một quyền đã thụ đắc, CSVN phải xoay qua Hoa Kỳ để được Hoa Kỳ hứa “bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ”.

Thật vậy thông cáo chung kết thúc chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Thủ Tướng Cộng sản Nguyễn Tấn Dũng trong tháng 7 vừa qua cho biết hai nước đã phát triển thêm quan hệ quân sự và quốc phòng. Đặc biệt Hoa Kỳ có hứa giúp đỡ Việt Nam bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Trong tuần lễ sau khi Nguyễn Tấn Dũng về nước, Trung Cộng phản đối hảng dầu Exxon đã vi phạm lãnh hải của Trung Cộng khi cho tàu đến thăm dò ngoài Biển Đông. Phản ứng của Hoa Kỳ qua lời tuyên bố của phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nicole Thompson là “Chính phủ Hoa Kỳ không can dự về việc tranh chấp lãnh hải giữa hai nước (Việt Nam và Trung Hoa), nhưng Hoa Kỳ phản đối mọi nỗ lực nhằm gây áp lực cản trở hoạt động của các công ty Mỹ trong khu vực đó”. Tuy nhiên phải để ý Nicole Thompson còn nói thêm một câu vô cùng quan trọng là “Hai quốc gia liên quan cần phải có một giải pháp ôn hoà cho cuộc tranh chấp chủ quyền này dựa trên các cơ sở luật quốc tế bao gồm Công ước liên hiệp quốc về luật biển và các thoả thuận hiện có như Tuyên bố về cách ứng xử ở biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN vào năm 2002”.

Về đoạn tuyên bố trên đây, cần phân biệt hai sự kiện. Thứ nhất, Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của nước Việt Nam. Thứ hai là thương thảo. Nhưng một khi đã là phần đất bất khả phân của Việt Nam rồi thì không thể đem ra thảo luận để chia sẻ đổi chác được. Đừng nói là đồng minh Hoa Kỳ mà về phía Việt Nam, chính quyền nào nhượng đất đai cho bất cứ ai, bất cứ vì lý do gì là can tội phản quốc và sẽ bị dân tộc và lịch sử nguyền rủa muôn đời. Do đó mà trong kháng thư ngày 14/02/1974 của VNCH lên án Trung Cộng xâm chiếm Hoàng Sa hồi năm 1974, Bộ Ngoại Giao VNCH long trọng cảnh báo “The Government of the Republic of Vietnam is determined to defend the sovereignty of the Nation over those islands by all and every means. In keeping with its traditionally peaceful policy, the Republic of Vietnam is disposed to solve, through negotiations, international disputes which may arise over those islands, but this does not mean that it shall renounce its sovereignty over any part of its national territory”, tạm dịch “Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa cương quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các hải đảo này (Paracels) bằng tất cả và mọi phương tiện. Với chính sách ôn hòa truyền thống, Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa sẳn sàng giải quyết bằng thương thảo mọi tranh chấp quốc tế có thể nêu lên liên quan đến những hải đảo này, nhưng không có nghĩa Chính phủ này sẽ từ bỏ chủ quyền trên bất cứ phần đất nào của lãnh thổ quốc gia”.




Nguyễn Bá Cẩn

Cựu Chủ Tịch Hạ Nghị Viện và
Thủ Tướng Chính Phủ VNCH



Free Web Template Provided by A Free Web Template.com